Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng
Sáng 6/1, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị Ban chỉ đạo để đánh giá kết quả xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022. 

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, song với quan điểm “đầu tư ít, hiệu quả cao”, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng để bổ sung, hoàn thiện môi trường chính sách và chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Hiện nay, nền tảng chính quyền điện tử, chính quyền số đang được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị và sớm hoàn thành việc kết nối theo yêu cầu với các hệ thống của quốc gia. 

Ninh Bình đã hoàn thành triển khai rà soát và công bố 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định áp dụng thực hiện ở mức độ 4; đã thực hiện tích hợp 795 dịch vụ đảm bảo 100% dịch vụ đủ các điều kiện theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2021, tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật trên Cổng dịch vụ công của tỉnh là trên 447 nghìn hồ sơ. Trong đó tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 đạt 38%. Việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó đã hoàn thành giai đoạn 1 chương trình thí điểm chuyển đổi tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao, trên cơ sở đó đã nhân rộng triển khai tại 13 xã và thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền số tại thành phố Tam Điệp. Tổng số tiền ngân sách tiết kiệm được trong năm từ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số khoảng 115 tỷ đồng.

 Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, điểm nghẽn như: thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị đã cũ, cấu hình thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhiều; tỷ lệ hồ sơ mức độ 3, 4 tiếp nhận trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn thấp... 

Để thực hiện thành công các giải pháp, mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong Nghị quyết 01 của BCH Đảng Bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đề nghị Ban chỉ đạo của tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, kỹ năng số, quan tâm đầu tư kinh phí để đồng bộ hạ tầng đảm bảo thực hiện chính quyền số cấp huyện hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả; đẩy mạnh số hóa bản giấy kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đang được lưu trữ tại các cơ quan đơn vị; nâng cấp phần mềm dùng chung, thư điện tử công vụ và tích hợp cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. 

Một số đại biểu đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể để tạo sự thống nhất trong nhận thức về chuyển đổi số, khai thác có hiệu quả các ứng dụng, phần mềm chung của tỉnh trên cơ sở kết nối liên thông, tích hợp chặt chẽ, xác định dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung của từng sở, ngành và của tỉnh, tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng. Cần có đánh giá toàn diện hiện trạng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện trung tâm dữ liệu tỉnh, xác định rõ mục tiêu, chịu trách nhiệm về tính hiệu quả khi đề xuất mua các phần mềm, ứng dụng từ ngân sách tỉnh, rà soát các nhóm thủ tục hành chính thực sự cần thiết để số hóa đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.

hát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo của tỉnh khẳng định những kết quả đạt được trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong thời gian qua là yếu tố quan trọng giúp Ninh Bình cải thiện Chỉ số cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được khẳng định khi năm 2020, tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng chuyển đổi số đứng thứ 8 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ mới và khó, được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ này và Ninh Bình cũng là tỉnh thực hiện thí điểm chuyển đổi số, do đó trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải thống nhất quan điểm là quyết tâm, nỗ lực làm cho thành công. 


Nhấn mạnh một số tồn tại hạn chế trong năm 2021 trong đó có tư duy lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở từng cấp, từng ngành còn thiếu toàn diện, chưa hình dung được tổng thể về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; cán bộ tham mưu, chuyên sâu về lĩnh vực này còn thiếu và yếu, ở một số nơi người đứng đầu còn thiếu quyết tâm chính trị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu trong năm 2022, ngoài thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đã nêu trong dự thảo báo cáo, các sở ngành, địa phương cần xác định rõ quan điểm, nguyên tắc, trước mắt phải bắt đầu từ kế hoạch tổng thể, mục tiêu đặt ra, hiệu quả thực hiện, từ đó đề ra cách làm và các giải pháp phù hợp. Việc này bắt đầu từ việc tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ cán bộ số, làm nòng cốt xây dựng xã hội số, công dân số. Mỗi cán bộ công chức phải thực sự muốn làm và quyết tâm làm cho bằng được.

Về nguyên tắc trong đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ quá trình chuyển đổi số, đồng chí thống nhất phải xem xét rà soát kỹ, phải xác định đầu tư ít nhưng hiệu quả cao, phải đảm bảo sự thống nhất, kết nối, tích hợp dữ liệu giữa các ứng dụng, phần mềm để có được cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất kiến nghị để điều chỉnh cho phù hợp. Đối với trung tâm dữ liệu của tỉnh cần xác định rõ lộ trình, kế hoạch thực hiện, nhất là các nội dung cần số hóa để vừa tiết kiệm, hiệu quả, lại dễ khai thác. 

Đồng chí Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, hướng dẫn đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án đang là chủ đầu tư. Các sở, ngành, địa phương trong tuyển dụng công chức, viên chức hàng năm cần quan tâm bổ sung biên chế làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đảm bảo có đủ nguồn lực, đạt chất lượng, phục vụ nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn./.

Phương Nhung

  • Từ khóa :