Hội thảo khoa học “Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới”
 Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh, sáng 23/3, UBND tỉnh phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới”.

Đến dự có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí UVBTV Tỉnh ủy: Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo; Mai Văn Tuất, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo.

Cùng dự còn có đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, các trường Đại học, Hội khoa học lịch sử tỉnh; Hội Di sản văn hóa Ninh Bình… Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo đã khẳng định vai trò, vị trí của Ninh Bình trong tiến trình lịch sử dân tộc. Nhấn mạnh Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử, những kết quả khảo cổ học mới phát hiện đã cung cấp nhiều bằng chứng khoa học có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ giá trị lịch sử văn hóa, diện mạo chính trị, kinh tế của vùng đất Ninh Bình từ xa xưa. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trải qua bao cuộc trường chinh vĩ đại, đất và người Ninh Bình đã ghi vào sử sách nhiều chiến công oai hùng. Danh xưng Ninh Bình có từ năm 1822, do các vị vua Triều Nguyễn dành cho vùng đất Cố đô với hàm ý là vùng đất an lành, bình yên, vững chãi. 

Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước càng được phát huy mạnh mẽ, Ninh Bình là một trong những địa phương sớm tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, đường lối cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước và ghi được nhiều chiến công hiển hách. 

Sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập. Quãng thời gian 30 năm qua, mỗi người dân Ninh Bình đều rất tự hào vì những thành tựu mà tỉnh nhà đã đạt được, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn thách thức, làm biến đổi toàn diện vùng đất Cố đô, đưa Ninh Bình có bước phát triển đột phá, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Hội thảo là một trong những sinh hoạt khoa học có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ quá trình hình thành và phát triển của tỉnh trong tiến trình lịch sử dân tộc. Hội thảo có sự tham gia, đồng hành của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học từ trung ương và địa phương, là cơ hội để Ninh Bình được lắng nghe những ý kiến khách quan, đa chiều đánh giá về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố Đô cũng như quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện sau 30 năm tái lập; từ đó khơi dậy lòng tự hào, động lực tinh thần, cơ sở khoa học cho việc xây dựng Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững; xứng đáng với tên gọi, tiềm năng, vị thế của vùng đất Cố đô.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã phát biểu tham luận, trình bày các kết quả nghiên cứu về Ninh Bình trên nhiều góc độ, lĩnh vực, tập trung một số nội dung như: Lược khảo đất Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử; Vị trí di tích mán bạc trong giai đoạn tiền sơ sử Việt Nam; Thân thế, sự nghiệp Đinh Bộ Lĩnh và sự thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt; Kinh đô Hoa Lư - Kinh đô nước; Trương Hán Siêu - Danh nhân Ninh Bình - Danh nhân đất nước; Quá trình hình thành và phát triển tổ chức cộng sản đầu tiên trên vùng đất Ninh Bình; Những đóng góp của quân và dân Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học ở Ninh Bình; Phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể Danh thắng Tràng An, tạo thế và lực mới cho Du lịch Ninh Bình… 

Bên cạnh đó, các nhà khoa học, chuyên gia cũng đã trao đổi, làm rõ hơn những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có của Ninh Bình. Qua đó công bố những phân tích, làm rõ hơn về vị trí, vai trò, truyền thống văn hiến của mảnh đất, con người và những đóng góp của Ninh Bình trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đồng thời cho thấy tầm quan trọng giá trị của các di sản cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển để vùng đất Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo khẳng định: Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu khoa học ở Trung ương và địa phương, với 52 bài báo cáo, trong đó 28 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở trung ương, qua đó đã làm rõ 4 phần: Ninh Bình trong lịch sử, Ninh Bình trong sự nghiệp đổi mới, danh nhân Ninh Bình, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của nhân dân Ninh Bình. Các ý kiến tham luận có nội dung phong phú, sinh động, mang hàm lượng khoa học cao đã tập trung làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn, nhấn mạnh vào nhiều nội dung cốt lõi để đi đến nhận thức sâu sắc cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử văn hóa Ninh Bình trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Tống Quang Thìn cảm ơn tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Hội khoa học lịch sử Việt Nam, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã dành cho tỉnh Ninh Bình; đồng thời khẳng định: Hội thảo "Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới” đã thành công tốt đẹp, khẳng định vị trí, vai trò của Ninh Bình qua các giai đoạn lịch sử và thành tựu phát triển trong 30 năm từ khi tái lập tỉnh đến nay. Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp, biên tập các bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo thành kỷ yếu làm tài liệu khoa học để nghiên cứu về lịch sử văn hóa vùng đất Ninh Bình và giáo dục thể hệ trẻ về truyền thống lâu đời của vùng đất Cố đô, qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng quê hương Ninh Bình giàu đẹp.

Các bài tham luận tại Hội thảo cũng là nguồn tư liệu cho các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước có thêm cơ sở để tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể, thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tâp quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, vùng đất, con người Cố đô nói riêng. Đây là cơ sở để Ninh Bình tiếp tục phát huy những nguồn lực vốn có, tạo động lực phát triển trong tương lai.

Mai Dung - Thùy Trâm (nbtv.vn)

 

  • Từ khóa :