Đẩy mạnh sản xuất đầu năm ở các làng nghề truyền thống
 Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các làng nghề đã rộn ràng trở lại, với không khí hăng say lao động, sản xuất, tạo ra các sản phẩm đẹp và chất lượng, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Cũng như nhiều hộ khác, gia đình ông Vũ Văn Thân, xã Sơn Hà, huyện Nho Quan sau kỳ nghỉ Tết đã bắt tay ngay vào công việc để đảm bảo tiến độ sản xuất các đơn hàng đã ký kết.

Gia đình ông Vũ Văn Thân, làng nghề mộc Quỳnh Phong xã Sơn Hà, huyện Nho Quan sản xuất các đơn hàng để kịp giao cho khách.

Với trên 600 hộ làm nghề, năm 2021, doanh thu của làng nghề mộc Quỳnh Phong đã góp phần nâng cao thu nhập và giúp các gia đình có cuộc sống khấm khá hơn. Chính vì vậy, trong năm mới, các hộ mong muốn dịch bệnh sớm đẩy lùi để thuận lợi hơn trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.


Còn tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, huyện Hoa Lư, không khí làm việc của người dân cũng khá sôi nổi, khẩn trương. Niềm vui được nhân lên khi năm 2021, làng nghề có bức tranh tứ quý Xuân Hạ Thu Đông được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đây là động lực, là tiền đề để thúc đẩy làng nghề tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Các công nhân chế tác đá tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, nhưng không khí sản xuất đầu năm ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang rất nhộn nhịp. Đây là tín hiệu tích cực về 1 năm mới khởi sắc hơn. Cùng với đó, để giữ chữ tín, từng bước xây dựng thương hiệu, các làng nghề đã nỗ lực đầu tư, cải tiến, đầu tư máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường./.   

Thanh Nga (nbtv.vn)

  • Từ khóa :