Giữ nét đẹp làng nghề thêu truyền thống
Ở làng nghề thêu Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư hiện nay vẫn có những nghệ nhân gắn bó và dành nhiều tâm huyết để lưu giữ, phát triển truyền thống của quê hương. Trong đó có chị Vũ Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH thêu Minh Trang - Nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu năm 2020 vì "Đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống".

 

Chị Vũ Thị Hồng Yến đang kiểm tra các sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: Anh Tuấn

Các danh xưng "Yến thêu", "Yến Văn Lâm" hay "Yến Minh Trang" đã nổi tiếng không chỉ ở làng nghề thêu truyền thống có tuổi đời hơn 700 năm, làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, mà lan truyền đến nhiều địa phương và các bạn hàng ngoại quốc. Bởi sản phẩm hàng thêu từ cơ sở của chị Yến bao giờ cũng đạt kỹ- mỹ thuật cao, đến độ tinh sảo, hiếm có nơi nào có được.

Vốn sinh ra trong gia đình mà cả bố mẹ, các anh chị em đều biết thêu ren, nên "nghề" ngấm vào người chị Yến từ khi "ngồi, cằm còn chưa chạm khung thêu". Bắt đầu từ những kỹ thuật thêu ren đơn giản, theo thời gian phụ giúp gia đình, dần dần làm đến công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao, như rua- ren- móc- chích…, tiến tới tham gia làm hoàn chỉnh các mặt hàng khó, đòi hỏi sự công phu, tỷ mỷ..

Những năm, nghề thêu trầm lắng, cô gái Vũ Thị Hồng Yến lên Thái Nguyên làm công nhân cơ khí. Tưởng rằng, cuộc đời mình sẽ gắn bó với những khối sắt thép sắc lạnh hay với cỗ máy nhem nhuốc dầu mỡ, bụi bẩn…Nhưng rồi, "người không chọn nổi nghề", mà chỉ có "nghề chọn người". Cô gái thôn quê Vũ Thị Hồng Yến cô quyết định bỏ việc, quay trở về quê hương, gây dựng lại nghề truyền thống thêu ren đang dần mai một ở quê nhà.

Bác Vũ Thanh Luân, đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội làng nghề thêu cho biết thêm: Gần 30 năm gắn bó với nghề thêu ren truyền thống quê hương cố đô Hoa Lư, chị Vũ Thị Hồng Yến chưa bao giờ ngơi nghỉ. Chị là một nhân tố tích cực hăng say "giữ lửa nghề thêu", và đã đưa các sản phẩm truyền thống đến nhiều nước trên thế giới. Nhờ đó, nhiều khách ngoại quốc biết đến Ninh Hải, vùng đất có làng nghề truyền thống, đồng thời biết đến Tam Cốc - Bích Động - danh thắng đẹp nhất nhì trời Nam. 

Chị Yến kể lại, đi nhiều nơi, thấy giá trị của các sản phẩm thêu ren vẫn được nhiều người yêu thích. Nhưng sản phẩm quê mình làm ra thì không tìm được đầu ra, khách nước ngoài chưa biết đến. Tôi quyết định về quê, tập hợp những người còn làm nghề lại, sau đó một mình rong ruổi để tìm các nguồn nhận hàng về cho bà con làm. Quyết định dành toàn bộ tâm huyết để thực hiện các dự định của mình. Ngày đó, với số vốn rất mỏng, chị Yến bàn với gia đình vay mượn mọi người, rồi Tổ hợp thêu ren xuất khẩu Hòa Bình ra đời.

Tổ hợp ban đầu chỉ có khoảng chục người tham gia. Từ tổ hợp này, chị Yến nhận đơn hàng từ khắp nơi, nguồn hàng về làm không hết việc. Chị tiếp tục liên kết thành lập nhiều nhóm trong làng, rồi mở rộng ra toàn xã. Ai làm được nghề thêu cũng có việc để làm, có thu nhập. Từ đây, nghề truyền thống đang dần mai một ở Vân Lâm bắt đầu nhộn nhịp, hồi sinh trở lại. 

Từ những đơn hàng trong nước, chị Yến cùng doanh nghiệp lăn lộn khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đó thường xuyên tham gia các hội chợ quốc tế tổ chức cả trong nước và ngoài nước với mong muốn có thêm thật nhiều kinh nghiệm, có cơ hội để quảng bá sản phẩm do chính mình làm ra. 

Đến năm 2007, chị Yến đã thực hiện được việc xuất khẩu trực tiếp các đơn hàng ra thế giới. Nhờ sản phẩm được làm ra hoàn toàn thủ công, do bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ lành nghề làng Văn Lâm, khách quốc tế tìm đến với Công ty đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Hiện sản phẩm chăn thêu trên chất liệu tơ tằm, quần áo thời trang hàng độc thêu tay do công ty chị Yến làm ra được khách Pháp, Anh, Úc đặt hàng thường xuyên. Giờ đây, thương hiệu của các sản phẩm thêu ren thủ công của doanh nghiệp của làng nghề đã "bay cao, bay xa" ở nhiều nước trên thế giới. 


Các tay kim đang tích cực hoàn thiện các sản phẩm thêu truyền thống.


Những ngày đầu năm 2021, cùng với việc duy trì các giao dịch của Công ty với nhiều bạn hàng, chị Vũ Thị Hồng Yến càng thêm bận bịu với việc chuẩn bị hàng nghìn món quà tặng, quà lưu niệm chào đón sự kiện Năm Du lịch Quốc gia được tổ chức tại Ninh Bình. 

Nhờ có lợi thế về danh lam, thắng cảnh, khách du lịch gần xa cũng biết đến làng nghề thêu truyền thống quê hương. Hàng ngày, có hàng trăm lượt du khách ghé vào khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, có nhiều người lưu lại nhiều giờ xem và trải nghiệm cùng với "các tay kim" trong nhà xưởng. 

Mặt hàng thêu tay của người làng Văn Lâm được xếp vào bậc nhất về độ khó, độ tinh xảo khi thực hiện, vì vậy, hàng của làng nghề không thể nhầm lẫn được. Để chào đón Năm Du lịch Quốc gia 2021 - Hoa Lư Ninh Bình, hơn ai hết, người làng nghề được dịp thể hiện những nét đẹp truyền thống của mình bằng những sản phẩm tốt nhất.

Hiện, công ty TNHH thêu Minh Trang đang có 3.000m2 mặt bằng nhà xưởng khang trang và chuyên nghiệp cho  45 thợ thêu lành nghề sản xuất và giao dịch. Thời điểm này, nhiều các sản phẩm tranh thêu, chăn tơ tằm, quần áo thời trang hàng độc thêu tay, khăn, ga, gối, túi sách quà tặng lưu niệm thêu thủ công… do chị Yến cùng những người thợ của công ty TNHH thêu Minh Trang đã được hoàn thiện, sẵn sàng chờ du khách gần xa đón nhận.

Minh Đường (baoninhbinh.org.vn)

  • Từ khóa :