Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể Quốc gia
Sáng 2/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự và chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UV BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Sau hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch tổ chức vào tháng 8/2021, chúng ta đã làm được một số việc nhưng nhìn chung, công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 còn chậm so với yêu cầu. Do vậy, hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng để các bộ, ngành, địa phương báo cáo, trao đổi, phân tích chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả và đưa ra các biện pháp, quyết tâm đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các đột phá phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh: Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, phát huy được tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các khu vực, lĩnh vực cần quy hoạch. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 119 ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát, xây dựng và bám sát thực hiện theo lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn của quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công.

Đối với tỉnh Ninh Bình, quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo đúng quy trình, quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và thuyết minh Dự toán lập Quy hoạch tỉnh; thực hiện đấu thầu, lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch.

Theo quy định thì đồ án Quy hoạch tỉnh cần được triển khai và hoàn thành trong 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/9/2020. Hiện nay Ninh Bình đang tập trung huy động nguồn lực thực hiện xây dựng quy hoạch tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022, rút ngắn ít nhất 3 tháng so với thời gian Chính phủ quy định.

Tiến độ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình gồm 6 giai đoạn: Khảo sát, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng ý tưởng quy hoạch, đề xuất các nội dung quy hoạch; hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định tại Điều 19 của Luật Quy hoạch; Tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định; Hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố quy hoạch.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương đã báo cáo tóm tắt kết quả lập quy hoạch, nêu lên nhiều vướng mắc, khó khăn và đóng góp nhiều ý kiến nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch trong thời gian qua đã đạt kết quả tích cực và có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn 2 điểm quan trọng là tiến độ chưa đạt theo chương trình và chất lượng chưa được như mong muốn.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như do ảnh hưởng dịch Covid-19 và hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đó là nhận thức về công tác quy hoạch chưa đúng tầm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; đầu tư cho công tác này ở các cấp còn hạn chế; bố trí nguồn lực con người chưa tốt; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt chưa có tính chủ động; các quy định hiện hành còn vướng mắc.

Với mục tiêu vừa đảm bảo tiến độ, vừa nâng cao chất lượng quy hoạch trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu nâng cao nhận thức ở các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác quy hoạch.

Phải xác định, công tác quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. Bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, địa phương để cụ thể hóa vào quy hoạch. Tăng cường  kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan dân cử trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Thủ tướng cũng yêu cầu, khi làm công tác quy hoạch thì phải cố gắng tìm ra, chỉ rõ được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát huy tối đa; chỉ rõ được hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức để có giải pháp tại từng ngành, địa phương. Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn. Quy hoạch đúng tiến độ nhưng phải quan tâm chất lượng, có thích ứng linh hoạt, vừa có tính chất lâu dài nhưng vẫn phải có tính thực tiễn, nó không phải là bất biến nhưng vẫn phải có tính ổn định. Quy hoạch phải dựa trên phát triển của nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và cao hơn là bình diện quốc gia; Phải lấy nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa là chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp với ngoại lực như vốn, công nghệ để đưa đất nước phát triển.

Nguyễn Giang (nbtv.vn)

  • Từ khóa :