Ninh Bình: Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong những năm qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, xác định trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội thuận lợi, điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh cấp mới 242 Giấy chứng nhận dăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 33.822 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 84 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư 1.525 triệu USD. Một số dự án tiêu biểu như Nhà máy lắp ráp ô tô Thành Công, Nhà máy sản xuất Module Camera và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina, Nhà máy kính nổi CFG Ninh Bình của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long…

Từ những kết quả trên đã góp phần tích cực trong việc thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,71%/năm; quy mô nền kinh tế được mở rộng, gấp 1,7 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 66,9 triệu đồng (khoảng 2.780 USD/người), tăng 62,77% so với năm 2015, bằng 92,7% mức bình quân chung cả nước (khoảng 3.000 USD). Thu ngân sách tăng nhanh, tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 68.382 tỷ đồng, riêng năm 2020 đạt 22.586 tỷ đồng, vượt 56,3% dự toán, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ninh Bình có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong cạnh tranh, thu hút đầu tư

Trong những năm qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của Ninh Bình được tập trung thực hiện bởi hai điểm nổi trội như các điều kiện tự nhiên, địa hình, văn hóa và con người đảm bảo cho phát triển kinh tế- xã hội và tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu của cả nước về thực hiện tốt đề án cải cách hành chính của Chính phủ.

Vì vậy, để tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút, xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Bình tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững; các nhà đầu tư chiến lược phát triển du lịch; các dự án có quy mô lớn, nộp ngân sách cao và có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực và sức bật về tăng trưởng kinh tế- xã hội.

Cùng với đó, Ninh Bình ưu tiên thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của tỉnh.

“Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”

Trong giai đoạn 2021-2025, Ninh Bình chủ động xây dựng định hướng thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực, định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đa dạng hóa phương thức xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong tổ chức các hoạt động xúc tiến và quản lý đầu tư; tăng cường các hoạt động hỗ trợ đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn; chú trọng mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp.
Với phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng một số giải pháp:

Một là, tập trung nghiên cứu “Xu hướng chuyển dịch nguồn vốn FDI và khả năng tiếp cận, đáp ứng thị trường của tỉnh Ninh Bình” nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu nhà đầu tư, chủ động đón nhận dòng vốn FDI chuyển dịch trong giai đoạn phục hồi kinh tế toàn cầu.

Hai là, xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội kết nối đầu tư. Trong đó tập trung bằng hình thức trực tuyến, đăng tải các video clip, phim tài liệu trên các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương, địa phương, trên xuất bản phẩm và các trang thông tin điện tử.

Ba là, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, định kỳ 6 tháng tỉnh sẽ tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư nhằm đồng hành, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện nhanh nhất về thủ tục đầu tư đối với một số dự án lớn đang nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.

Bốn là, tỉnh Ninh Bình sẽ xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư: Quy hoạch; vị trí, quỹ đất; hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cảng biển, điện, nước, viễn thông…); các hình thức hỗ trợ, ưu đãi đầu tư; kết nối đào tạo nguồn nhân lực, danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 để cung cấp cho các nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu về Ninh Bình.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trung ương, đại sứ quán, thương vụ của các nước, khu vực tại Việt Nam như: JETRO, JICA, KCCL, KORCHAM, KOTRA, EuroCham… để cùng phối hợp, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Giải quyết TTHC tại Quầy Sở KH&ĐT- Trung tâm PVHCC tỉnh Ninh Bình.

 

 

Hoàng Tươi

  • Từ khóa :