Ninh Bình công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương năm 2021
Chiều 28/2, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2021.

Các đại biểu dự hội nghị

Tới dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UV BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Bí thư các huyện, Thành ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Bắc Ninh - đơn vị tư vấn báo cáo kết quả khảo sát Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2021.

Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 114 ngày 28/7/2021 về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2021. Trong thời gian rất ngắn (5 tháng) nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo UBND tỉnh cùng với sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức triển khai Kế hoạch theo đúng quy định, trình tự và hoàn thành theo đúng tiến độ chung đề ra. 

Việc lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá và báo cáo kết quả được thực hiện khách quan, độc lập. Quá trình khảo sát, lấy ý kiến được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính…; đồng thời, có rất nhiều doanh nghiệp tích cực đóng góp ý kiến bổ sung, điều đó thể hiện sự tin tưởng vào hệ thống cơ quan chính quyền và Bộ chỉ số đánh giá đã xây dựng. Theo đó, số phiếu thu về với kết quả đạt yêu cầu là 1.752/3.000 phiếu, đạt tỷ lệ 58,4% so với tổng số phiếu phát ra; trong đó, số phiếu thu về qua khảo sát gián tiếp là 833 phiếu, đạt tỷ lệ 41,65% (trong khi tỷ lệ này của một số tỉnh, thành của cả nước chỉ đạt trên 10%, như tỉnh Bắc Ninh năm 2021 là 12,5%).

Kết quả khảo sát, lấy ý kiến được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch, báo cáo lãnh đạo tỉnh; đồng thời là căn cứ để các sở, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của doanh nghiệp, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả; tiếp tục phát huy những mặt đã làm được, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Ninh Bình trong những năm tiếp theo.

Quang cảnh hội nghị

Tiếp đó, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương năm 2021. Trong đó, có 4/30 đơn vị xếp loại rất tốt là: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Hải quan Hà Nam Ninh và thành phố Ninh Bình.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ kinh nghiệm, lưu ý cách làm trong quá trình triển khai thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định 1/6 chương trình trọng tâm là “Tập trung cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định chủ đề công tác năm 2021 và năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính”. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cụ thể hóa và triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh trong thời gian qua luôn biến động, có xu hướng giảm qua các năm, đặc biệt là năm 2020 đã giảm mạnh cả về điểm số và thứ hạng, đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng thứ 11/11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng. 

Với quan điểm chỉ đạo thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ rõ và kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém; quyết tâm cải thiện xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2021. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai ngay các giải pháp đồng bộ để xác định rõ thực trạng, tháo gỡ các điểm nghẽn, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhằm nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhân dân. Trong đó, đã tập trung xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương và thực hiện đánh giá ngay trong năm 2021; đây là nhiệm vụ mới, nhạy cảm, lần đầu tiên tỉnh triển khai thực hiện. Là kênh thông tin khách quan, phản ánh trung thực đánh giá của doanh nghiệp, người dân về công tác điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền địa phương; thái độ, trách nhiệm, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Kết quả đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh năm 2021 đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu chất lượng và tiến độ.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Kết quả công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương năm 2021 là kết quả định vị bước đầu. 

Để thực hiện nghiêm chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính” kịp thời giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn trong công tác chỉ đạo điều hành, tháo các nút thắt về thể chế, tổ chức thực thi công vụ, tạo sự bứt phá mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo; yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa tác động của Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương đến thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, yếu kém trên quan điểm cầu thị, tích cực. Đặc biệt là không quá đề cao thứ bậc, mà phải chú trọng rà soát, sửa đổi ở nội tại những rào cản, điểm nghẽn, có giải pháp sửa đổi để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong quá trình giải quyết công việc, với mục tiêu cuối cùng là sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Trong quá trình thực hiện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký doanh nghiệp, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... 

Tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại hóa nền hành chính, nhất là các thông tin về quy hoạch của các ngành, các cấp, công khai quy trình, thủ tục đầu tư.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, đây là năm đầu tiên thực hiện, do vậy trong quá trình triển khai tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi để hoàn thiện Bộ chỉ số thành phần và các chỉ tiêu cơ sở, các đối tượng khảo sát chọn mẫu và nội dung các mẫu phiếu đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Thu Dung (nbtv.vn)

  • Từ khóa :