Xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra những mục tiêu toàn diện về kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, đã xác định tiếp tục tập trung đầu tư đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 doanh thu từ du lịch đạt 8 nghìn tỷ đồng trở lên. Báo Ninh Bình có cuộc phóng vấn đồng chí Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch để làm rõ hơn về những giải pháp, kế hoạch mà Sở sẽ tham mưu để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về phát triển du lịch.

 

Du khách về dự Lễ hội Tràng An năm 2019. Ảnh tư liệu: Minh Đường

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về sự phát triển của du lịch Ninh Bình những năm gần đây?
Đ/c Bùi Văn Mạnh: Ninh Bình là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,  những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch. Đặc biệt, sự ra đời của Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, đã mở ra hướng phát triển nhanh, bền vững cho du lịch Ninh Bình. 

Bằng những chủ trương, chính sách đồng bộ, những giải pháp cụ thể về xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, về đầu tư phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch, việc phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch; về chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch... đã tạo nên những tác động tích cực đến phát triển du lịch và việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của du lịch Ninh Bình trong nước và quốc tế. Nhất là từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới, lượng khách du lịch đến với tỉnh ta tăng vọt, giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng bình quân đạt 11%/năm. 

Phóng viên: Bên cạnh những thành công, chắc hẳn du lịch Ninh Bình vẫn còn không ít những tồn tại, rào cản?

Đ/c Bùi Văn Mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Ninh Bình đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian qua lượt khách đến Ninh Bình đông nhưng lượng khách lưu trú ít, thời gian lưu trú ngắn (trung bình đạt 1,6 ngày/người); các cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu kinh doanh 2 dịch vụ cơ bản là ăn và nghỉ, các dịch vụ bổ sung chưa được quan tâm. 

Ninh Bình còn thiếu các khu vui chơi giải trí, mua sắm nhất là các khu vui chơi giải trí, mua sắm về đêm; nhân lực tham gia làm dịch vụ du lịch chưa chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch chưa phong  phú, chưa có các sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Do đó, doanh thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và đóng góp còn thấp trong cơ cấu giá trị ngành dịch vụ. Một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập; công tác quản lý Nhà nước về du lịch có mặt còn hạn chế…

Phóng viên: Vừa qua, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã thông qua 14 mục tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có mục tiêu doanh thu du lịch đến năm cuối nhiệm kỳ đạt 8 nghìn tỷ đồng. Phát triển du lịch cũng là một trong 6 chương trình trọng tâm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định. Xin đồng chí cho biết để đạt được các mục tiêu trên, Ninh Bình có những thuận lợi, khó khăn gì và ngành sẽ có những tham mưu như thế nào?

Đ/c Bùi Văn Mạnh: Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành Du lịch. Trong 9 tháng năm 2020, lượng khách đến với Ninh Bình chỉ đạt 2 triệu lượt, doanh thu du lịch cũng sụt giảm chỉ đạt khoảng 40% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng, khách sạn, nhà đầu tư dịch vụ du lịch đang phải trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn, nhiều đơn vị đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản. Dự báo, tác động của dịch bệnh sẽ còn kéo dài ít nhất trong một, thậm chí vài năm tới, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành. 

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn nêu trên thì chúng ta cũng có rất nhiều thuận lợi. Hiện nay, vị thế, hình ảnh du lịch Ninh Bình đã được định hình. Ninh Bình đã lọt vào danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế. Đặc biệt, từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới thì giá trị thương hiệu du lịch Ninh Bình cũng được nâng tầm. Ninh Bình cùng với Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, tạo thành tứ giác phát triển mới của du lịch phía Bắc.

Tận dụng lợi thế này, thời gian tới, Ninh Bình sẽ tập trung khai thác du lịch theo chiều sâu. Cùng với việc làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống hiện nay, chúng ta sẽ phát triển các sản phẩm mang hàm lượng văn hóa nhiều hơn. Cụ thể, tới đây tỉnh ta sẽ giới thiệu các giá trị của Tràng An qua những hình ảnh 3D tái hiện lại cuộc sống của người tiền sử, hay câu chuyện đêm trước khi dời đô gắn với vùng đất Cố đô Hoa Lư; làm các sản phẩm Bái Đính về đêm gắn với chữa bệnh về tâm, về thân, dạy thiền, yoga…

Ngành Du lịch cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, đồng thời có những phương án ứng phó, khôi phục ngành Du lịch trong thời gian tới. Song song với đó, tập trung xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao; ưu tiên các dự án quy mô lớn, các trung tâm thương mại, mua sắm, siêu thị tổng hợp, khu liên hợp vui chơi, giải trí; các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Phát triển du lịch biển tại khu vực Cồn Nổi, du lịch sinh thái khu vực bãi bồi huyện Kim Sơn.

Thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình. Trong đó, một mặt tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website, các mạng xã hội, nền tảng số; tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo, các hội nghị xúc tiến ở các tỉnh, các thị trường khách du lịch trọng điểm. Mặt khác, quảng bá bằng chính thương hiệu, chất lượng từ bên trong. 

Xây dựng nguồn nhân lực ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí, động lực của ngành Du lịch trong nền kinh tế. Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở các cấp.

Tin tưởng rằng, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh, các chỉ tiêu về phát triển du lịch mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đề ra sẽ sớm được hoàn thành và hoàn thành vượt mức, đưa du lịch Ninh Bình vươn xa, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

    



Nguyễn Lựu
  • Từ khóa :