Ninh Bình đề xuất Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm và viện trợ bảo tồn Cố đô di sản văn hoá
Ngày 17/10, tại trụ sở Ban Đối ngoại Trung ương, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đối tác Nhật Bản về việc trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ bảo tồn Cố đô di sản văn hóa.

Dự buổi làm việc có ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam; lãnh đạo Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Văn phòng UBND tỉnh.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc và các đại biểu của tỉnh Ninh Bình chụp ảnh lưu niệm với đối tác Nhật Bản. (Ảnh: nbtv.vn)

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã giới thiệu khái quát về vị trí địa lý, hệ thống di sản văn hóa và định hướng bảo tồn Cố đô di sản văn hóa của tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, Ninh Bình là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi đậm đặc các di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam, nơi lưu dấu lịch sử nhân loại. Hơn 30 ngàn năm trước, Ninh Bình là nơi được người tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống. Thế kỷ thứ X, Hoa Lư - Ninh Bình được chọn làm kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt (trong 42 năm, 968-1010), tạo tiền đề cho sự phát triển rực rỡ của các thể chế nhà nước phong kiến Việt Nam trong các giai đoạn tiếp sau.

Hiện nay Ninh Bình cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á sở hữu danh hiệu "kép" được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh: Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Hiện Ninh Bình có gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể. Những giá trị đó đã được tỉnh Ninh Bình xác định là nền tảng, nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững.

Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, với những quyết sách và bước đi đúng đắn, phù hợp, quyết tâm kiên định thực hiện những đột phá chiến lược theo hướng phát triển "Xanh và Bền vững", kinh tế tỉnh Ninh Bình những năm qua đã vươn lên, phát triển hài hòa trên 3 lĩnh vực: Nông nghiệp - Công nghiệp và Dịch vụ, nhất là ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 16, ngày 23/8/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính trực thuộc gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là "Đô thị Cố đô - Di sản", dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, Cố đô Hoa Lư.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn Chính phủ, các địa phương, các tổ chức, cá nhân của Nhật Bản trao đổi, chia sẻ với tỉnh về kinh nghiệm trong gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, di sản, quy hoạch xây dựng đô thị di sản. Đồng thời hy vọng trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, kết nối, hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhằm xây dựng Ninh Bình thành đô thị Cố đô - Di sản, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã bày tỏ ấn tượng với các di sản văn hóa của tỉnh Ninh Bình qua các chuyến thăm và làm việc tại tỉnh. Khẳng định việc đẩy mạnh hợp tác giữa Nhật Bản và Ninh Bình trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa là hoạt động rất quan trọng và ý nghĩa, nhất là trong dịp kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hai nước Nhật Bản - Việt Nam.

Ông Phó Đại sứ - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng giới thiệu một số hình thức viện trợ của Nhật Bản đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời khẳng định sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn hóa với tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất một số lĩnh vực tỉnh mong muốn được Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là hỗ trợ tỉnh Ninh Bình trong khảo cổ, bảo tồn, phục dựng Cố đô Hoa Lư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và việc xây dựng đô thị Cố đô - Di sản nói riêng.

Đại diện đối tác Nhật Bản cũng làm rõ một số hình thức viện trợ của Nhật trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa, di sản hiện nay như: hình thức viện trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, hình thức viện trợ văn hóa không hoàn lại,… Đồng chí cũng trân trọng mời Đại sứ quán, các tổ chức của Nhật Bản về thăm, làm việc tại Ninh Bình, nhất là tham dự sự kiện gặp gỡ Kan-sai với sự tham gia của 50 doanh nghiệp sẽ được tổ chức tại Ninh Bình trong thời gian tới.

Huy Hoàng (t/h)

  • Từ khóa :