Thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025
 Ngày 23/11/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2025.

Kế hoạch của UBND tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt. Qua đó, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.


Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025, ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách, tại Kế hoạch số 187/KH-UBND, UBND tỉnh còn đề ra giải pháp: Phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0; Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công;  Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; Tăng cường phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Tỉnh đề ra một số mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025: Giúp giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GRDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 66 - 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; 100% các huyện, thành phố, các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia...

Để Kế hoạch thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025, được triển khai hiệu quả, thống nhất, UBND tỉnh giao Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Bình làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai, theo dõi thực hiện các giải pháp trong Kế hoạch; tiếp nhận, xử lý thông tin người dân, doanh nghiệp cung cấp, phản ánh về các hành vi gian lận, giả mạo, lừa đảo trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng; Chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện cung ứng các loại dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về quy trình, thủ tục, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ và quy trình, thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt; tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện.

UBND tỉnh yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Xem chi tiết Kế hoạch 187/KH-UBND tại đây.

  • Từ khóa :